Làng cố Thổ Hà nơi hội tụ các giá trị văn hoá đặc sắc vùng quê Bắc Bộ. Làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang không chỉ là nơi lao động, sản xuất và tổ chức sinh hoạt văn hóa tinh thần. Mà còn lưu giữ những phong tục tập quán tốt đẹp, một mảnh đất địa linh nhân kiệt, đã từng nổi tiếng cả nước với nghề gốm cổ truyền. Nơi gắn kết quan hệ dòng tộc, xóm giềng bằng những ký ức rất gần gũi, bình dị, thân thương.
Đến nơi đây, ta thấy cảnh tấp nập ngược xuôi, trên bến dưới thuyền của dòng sông Cầu, được ngắm những cây đa cổ thụ sừng sững vươn lên giữa đất trời, thăm những công trình kiến trúc vô cùng độc đáo như: Đình, chùa, từ chỉ Thổ Hà, cổng làng, miếu làng, điếm làng, giếng cổ, hay những con ngõ nhỏ cổ kính và rêu phong được làm bằng gạch nung, gốm, tiểu sành; thăm các gia đình làm mì gạo, nấu rượu, làm bánh đa nem...Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp mộc mạc nhưng vô cùng độc đáo, mang dấu ấn đặc trưng của một làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Làng nghề truyền thống Thổ Hà
Làng Thổ Hà, Thổ là đất, Hà là sông, Thổ Hà có ba mặt giáp sông, như một hòn đảo nhỏ. Làng có 3 bến đò. Bến Chùa ở trước Đình, Bến Dưới nằm ở xóm 4. Bến Trên ở xóm 1. Trước kia người ta sử dụng Đò Chèo nên hình ảnh dòng sông cầu rất thơ mộng. Nhưng ngày nay người ta sử dụng Đò Máy nên vận chuyển được nhiều người hơn và thuận tiện hơn. Dọc bờ sông của làng là thuyền bè dân vạn chài sinh sống. Nằm thanh bình bên dòng sông cầu thơ mộng, làng Thổ Hà đã mang bên mình những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc, giàu có, vẻ đẹp cổ kính mang dấu ấn của làng quê thuần Việt”.
Đình Thổ Hà di tích quốc gia
Tại một ngôi làng cổ có đến 03 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia (Đình Thổ hà, Chùa Đoan Minh, Từ chỉ Thổ Hà) và rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể làm say đắm lòng người:
1. Chùa Thổ Hà có tên chữ là Đoan Minh Tự – Nơi thờ Phật. Căn cứ vào đôi rồng đá đặt ở của chùa, được biết: Năm Canh Thìn (1580) đời nhà Mạc mua rồng đá, năm Canh Thân 1610 chùa được tu sửa lại. Như vậy chùa có thể được xây dựng từ trước đó. Chùa xây dựng theo kiểu “Nội Công - Ngoại Quốc”, quy mô lớn bao gồm Tam quan, gác chuông và tiền đường. Trong thời gian kháng chiến, gác chuông đã bị cháy hoàn toàn và quả chuông được lấy để đúc làm vũ khí đánh giặc.
2. Đình Thổ Hà: Nơi thờ Thái Thượng Lão Quân, còn gọi là Lão Đam, Lão Tử). Đây là vị thần đã đi dẹp giặc Xích Quỷ, giúp An Dương Vương xây thành ốc và hóa ở Thổ Hà. Ông còn có công mở trường dạy học ở làng, ông được vua phong là Thượng đẳng thần và Thành hoàng Thái thượng và cho phép làng Thổ Hà lập miếu phụng thờ. Do vậy, dân làng đã tôn ông lên làm Thành Hoàng làng. Chùa có kiến trúc vô cùng độc đáo. Ngày 13/01/1964 Bộ Văn hóa, Thôn tin đã ban hành Quyết định số 29-VH/QĐ xếp hạng Đình Thổ Hà là di tích cấp quốc gia. Tại Đình Thổ Hà đang lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, trong đó có bức Cửa Võng đình Thổ Hà - Bảo vật quốc gia.
3. Từ chỉ Thổ Hà - Nơi khắc ghi truyền thống hiếu học của làng: Là di tích cấp quốc gia (Quyết định số 295/VH-QĐ ngày 12/2/1994 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin). Từ chỉ Thổ Hà được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII, là nơi thờ Khổng Tử và thờ 72 vị tiên hiền. Hằng năm vào ngày 7 tháng Giêng, ngày Tuần, Rằm, Mùng một và các ngày đặc biệt như vào mùa thi cử Từ chỉ Thổ Hà lại đón rất nhiều du khách. Nơi đây lưu giữ nhiều đồ thờ, hiện vật, hoành phi, câu đối, 08 bia đá rất cổ, quý, có nội dung ghi chép lại tên tuổi những người con làng Thổ Hà đỗ đạt trên con đường khoa cử.
Bức tường sành đặc trưng của vùng gốm Thổ Hà
4. Trung tâm gốm - sứ vang bóng một thời: Nằm bên tả ngạn sông Cầu với ba mặt liền sông, Thổ Hà giống như một ốc đảo giữa bốn bề sông nước. Vì lẽ đó người dân Thổ Hà không canh tác nông nghiệp mà chủ yếu sống bằng nghề thủ công truyền thống. Được biết đến sớm nhất với nghề gốm nổi tiếng gần xa – Là một trong ba trung tâm sản xuất gốm cổ xưa nhất của người Việt. (Phù Lãng - Bát Tràng - Thổ Hà). Là cái nôi đầu tiên của nghề gốm thế kỷ thứ XIV.
5. Cổng làng, nhà cổ, ngõ nhỏ rêu phong: Làng quê bắc bộ nào cũng có ít nhất 01 cổng làng. Thổ Hà cũng vậy. Cổng làng cùng 4 ngôi điếm của 4 xóm là một trong những công trình kiến trúc nét đặc trưng của làng. Cổng làng Thổ hà là một công trình nổi tiếng đẹp ở hạ và trung lưu sông cầu. Quanh khu vực cổng làng, đình chùa có những cây đa hàng trăm năm tuổi. Hội tụ nhiều tinh hoa của người Việt cổ. Có nhiều nhà cổ bề thế, nhà cổ đại khoa 7 gian, trung khoa 3 gian 2 dĩ, trạm trổ cầu kỳ và tinh xảo. Nhiều ngõ nhỏ hun hút, cổ kính rêu phong làm bằng gạch nung, gốm, tiểu sành…
Nét văn hóa quan họ Thổ Hà
6. Lễ hội Thổ Hà là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Đến Thổ Hà và dịp đầu xuân, du khách sẽ trải nghiệm, tham gia vào lễ hội xuân đặc sắc và được đắm mình trong một không gian văn hóa truyền thống sinh động nhiều màu sắc, Đó là Lễ hội Thổ Hà - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/12/2012. Lễ hội Thổ Hà được tổ chức vào ngày 20, 21, 22 tháng Giêng hằng năm). Tại đây quý khách sẽ được trải nghiệm Canh hát Quan họ thâu đêm suốt sáng của các Nghệ nhân Quan họ, được xem diễn Tuồng, được lên thuyền hát đối quan họ trên Sông Cầu cùng nhiều trò chơi dân gian rộn ràng, làm đắm lòng du khách: Chơi đu, Chọi gà, đánh cờ bỏi, vật, thi bơi bắt vịt…
7. Ẩm thực Thổ Hà: Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đặc sắc, Thổ Hà còn nổi tiếng với những nết văn hóa ẩm thực dân dã, bình dị mà đậm đà, hình thức hấp dẫn, công phu chế biến khiến mỗi người thưởng thức sẽ nhớ mãi không quên. Đó là Bánh đa nướng, bánh đa nem, mỳ gạo, bánh khúc tai mèo, chè xắn, xôi xéo, cháo bánh canh, xôi nén, xáo chuối, xáo mực…
Với những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đặc sắc của một làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, làng cổ Thổ Hà đang là điểm đến hết sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan.
Đông đảo du khách nước ngoài đến tham quan làng cổ Thổ Hà